Kỷ niệm 100 năm thành lập Thị xã Sơn Tây (1924 - 2024), 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (03/8/1954 - 03/8/2024), 555 năm danh xưng “Sơn Tây”

30/07/2024
Danh xưng “Sơn Tây” và lịch sử thành lập thị xã Sơn Tây

     Vùng đất Sơn Tây xa xưa thuộc bộ Giao Chỉ - một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc thời Hùng Vương - An Dương Vương.Sau này là một trong tứ trấn xung quanh kinh thành Thăng Long xưa, còn gọi là trấn Đoài (hay xứ Đoài). Theo sách “ Đại Việt sử ký toàn thư ” và “ Đại Nam nhất thống chí ”: Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1469), triều đình Đại Việt có những điều chỉnh tổ chức hành chính, định lại bản đồ toàn quốc. Cả nước chia thành phủ Phụng Thiên và 12 thừa tuyên, bên dưới có các cấp châu, huyện, xã, trang, sách. Trong đó, thừa tuyên Quốc Oai đổi tên thành thừa tuyên Sơn Tây.Từ đây, địa danh “ Sơn Tây ” chính thức ra đời với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương của quốc gia Đại Việt.

    Ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Tuất (1490), vương triều Lê Sơ xác định bản đồ toàn quốc, Quốc gia Đại Việt được phân chia thành 13 “xứ thừa tuyên” là đơn vị hành chính trực thuộc triều đình trung ương, trong đó có xứ thừa tuyên Sơn Tây. Trong khoảng niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), vua Lê Tương Dực đổi thừa tuyên Sơn Tây thành trấn Sơn Tây. Đến năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, lập các tỉnh ở phía Bắc, trong đó trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây. Đến ngày 21 tháng 4 năm 1965, theo Nghị quyết số 103/NQ-TVQHcủa Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới là tỉnh Hà Tây. Như vậy, “ Sơn Tây ” là tên gọi một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương kéo dài gần nửa thiên niên kỷ, suốt từ năm tháng 4 năm Kỷ Sửu (1469) đến ngày 21 tháng 4 năm 1965.

    Ngày 30/12/1924, Thống sứ Bắc kỳ J.Krautheimer ký văn bản gồm 3 điều, trong đó quyết định thành lập một đơn vị hành chính mới làm thủ phủ của tỉnh Sơn Tây gọi là thị xã Sơn Tây gồm 17 đơn vị hành chính bản địa, có giới hạn gồm: Phía Bắc giáp sông Hồng; Phía Tây và Tây Nam giáp địa phận các xã Phú Nhi và Sông Côn; Phía Nam giáp bến quân sự cũ và địa phận xã Đạm Chai (tức Đạm Trai); Phía Đông Nam và phía Đông giáp đê quân sự cũ và địa phận các xã Thuần Nghệ, Phù Sa. Thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Sơn Tây với tư cách là đô thị kiểu phương Tây được chính thức thành lập. Từ năm 1924 đến nay, thị xã Sơn Tây đã trải qua nhiều lần thay đổi, mở rộng địa giới hành chính.

    Địa danh “Sơn Tây” tồn tại với tư cách là một địa danh hành chính đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam từ thời trung đại đến hiện đại. Cho đến nay (năm 2024), địa danh hành chính Sơn Tây đã tồn tại 555 năm (1469 - 2024), địa danh hành chính thị xã Sơn Tây đã tồn tại 100 năm (1924 - 2024).

Sơn Tây - dấu ấn Ngày Giải phóng (03/8/1954)

Sơn Tây có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong thời kỳ thực dân Pháp quay lại xâm lược (1946 - 1954), ngay từ ngày đầu chúng đã chọn tỉnh Sơn Tây (cũ) là nơi tập trung xây dựng căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng, từ đó tiến công lên Việt Bắc, Tây Bắc để tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Pháp đã tập trung xây dựng ở đây một lực lượng binh lực mạnh, nhiều đồn, bốt, tạo thành vành đai trắng, nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng với Nhân dân, biến thành nơi chỉ huy các vùng lân cận của tỉnh Sơn Tây.

Quân và dân thị xã Sơn Tây đã có nhiều hình thức đấu tranh với địch như chống càn quét, khủng bố, đồng thời xây dựng cơ sở giúp cán bộ cách mạng hoạt động kết hợp với các hoạt động của lực lượng vũ trang trên chiến trường, ngay trong Thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, nơi địch có bộ máy ngụy quân, ngụy quyền rất mạnh. Trong dịp Tết Nguyên đán đầu năm 1954, du kích xã Viên Sơn đã treo cờ trên cây găng ngã tư La Thành và trên cây gạo đầu làng Phù Sa; tung truyền đơn vào Rạp hát Thị xã làm cho ngụy quân, ngụy quyền gây hoang mang dao động. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/1954, Tỉnh ủy Sơn Tây chỉ đạo phát triển hoạt động vũ trang vào sâu trong lòng địch, tập kích nhiều vị trí quanh Thị xã như: Trạm gác Bảo Chính đoàn ở chốt Nghệ (cửa ngõ phía nam từ Hà Nội đi Sơn Tây), bốt Commăngđô Phù Sa (xã Viên Sơn), bốt Commăngđô ở Ái Mỗ (xã Trung Hưng). Du kích xã Đường Lâm phối hợp với bộ đội đánh, diệt gọn một trung đội địa phương quân của địch tại Cam Thịnh, bao vây, chặn đánh bọn lính Thổ tại gò Đồng Xấu - Đông Sàng, bốt Văn Miếu… Trong các trận đánh, quân và dân ta đã bắt sống và giết chết hơn 50 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ nhanh chóng truyền về thị xã Sơn Tây, làm cho quân địch rất lo sợ, đào, rã ngũ hàng loạt. Tận dụng thời cơ đó, lực lượng binh vận của ta đã vận động binh lính bốt Jini Bến Tàu trói bọn chỉ huy, tuyên truyền 40 tên địch ra hàng. Từ tháng 6/1954, quân Pháp ở thị xã Sơn Tây rút dần về Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngày càng nhiều, truyền đơn, áp phích tuyên truyền tin thắng lợi của ta được tung, dán khắp nơi như bến xe, bãi chợ, nơi công cộng, trước công sở của địch… Đêm 16/7/1954, quân Pháp dùng đại bác từ Thành cổ và bốt Phù Sa liên tiếp bắn phá vào các xã Đường Lâm, Sơn Đông làm cho hàng chục người dân thương vong, hàng trăm ngôi nhà bị cháy, đổ, hư hỏng nặng.

Sáng ngày 17/7/1954, quân Pháp dùng xe tăng, xe cơ giới, bộ binh có pháo binh yểm trợ gồm 200 tên tấn công vào xã Đường Lâm, giải vây cho bốt Văn Miếu nhằm khai thông đường Sơn Tây - Trung Hà và đón quân từ Trung Hà rút về Thị xã. Bộ đội địa phương và du kích xã Đường Lâm đã chống trả quyết liệt, buộc địch phải rút về cố thủ ở trung tâm Thị xã. Cuối tháng 7/1954, dự đoán địch có thể rút khỏi Sơn Tây, cấp trên điều thêm một số đơn vị bộ đội chủ lực gồm một bộ phận của Sư đoàn 312 và một bộ phận của Sư đoàn 304 cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây chặt các vị trí đóng quân của địch, phong tỏa các đường giao thông, nhất là Đường 11 (Quốc lộ 32 ngày nay), tiêu diệt nhiều toán địch đi tuần tiễu. Địch phải dùng binh chủng cơ động, đơn vị pháo binh cơ giới lên giải vây nhưng không được. Chúng phải tiếp tế bằng đường hàng không và cố thủ trong các công sự.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dươngđược ký kết. Ngày 27/7/1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Thực hiện lệnh ngừng bắn, quân Pháp còn lại ở thị xã Sơn Tây được phép rút về Hà Nội để chuyển đi tập kết ở Hải Phòng trước khi rút vào miền Nam nước ta. Theo thỏa thuận giữa hai bên, ngày 05/8/1954, địch phải rút khỏi thị xã Sơn Tây. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân ta và khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng Nhân dân Thị xã, quân đội Pháp phải rút khỏi Thị xã vào ngày 03/8/1954, chấm dứt 71 năm thực dân Pháp đô hộ trên đất Sơn Tây (1883 - 1954).

13 giờ ngày 03/8/1954, quân đội Pháp hoàn toàn rút khỏi thị xã Sơn Tây. Khoảng hơn 14 giờ ngày 03/8/1954, cán bộ và Nhân dân Thị xã xếp hàng, đi bộ trên Đường 11A, giương cao cờ, băng zôn, khẩu hiệu tiến về chốt Nghệ Thị xã. Đến đầu chốt Nghệ, Đoàn được Nhân dân hai bên đường reo hò, mừng đón, đến trung tâm Thị xã thì gặp các đơn vị bộ đội hùng dũng từ các ngả đường tiến vào tiếp quản. Trên các tuyến phố vào Trung tâm, Nhân dân treo cờ, khẩu hiệu, panô, ảnh Bác Hồ, trưng bày tranh ảnh, báo chí về cuộc kháng chiến trong cả nước và tỉnh Sơn Tây. Buổi tối, Nhân dân tập trung ở Quảng trường và Vườn hoa trước Phòng Thông tin để nghe tin tức, ca nhạc. Đó là một ngày Thị xã không có tiếng súng, không có những trận giao tranh dữ dội. Thị xã được tiếp quản trong không khí thanh bình, rộn rã với những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của Nhân dân. Từ đây, ngày 03/8 hàng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn kháng chiến anh dũng quật cường, với ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết, sống chết vì quê hương, đất nước.

Mặc dù thực dân Pháp đã tập trung một binh lực mạnh, thực hiện chính sách bình định tàn bạo, ác liệt, biến Sơn Tây trở thành một địa bàn chiến lược quân sự quan trọng ở Bắc Bộ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thị xã Sơn Tây vẫn chiến đấu anh dũng với khoảng 100 trận, trong đó có 57 trận lớn, bắt sống và tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt, các cấp ủy đảng trên địa bàn Thị xã đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quân và dân Sơn Tây kiên trì bám trụ, giữ đất giải phóng quê hương.

Sau khi giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Sơn Tây bước vào xây dựng cuộc sống mới với khí thế mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện nhiệm vụ hậu phương, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới của Đảng. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, thị xã Sơn Tây có 14.970 nam, nữ thanh niên gia nhập quân đội và hàng ngàn thanh niên xung phong tham gia dân công hỏa tuyến. Thị xã Sơn Tây có 1.535 người con đã anh dũng hy sinh, 815 thương binh, 305 bệnh binh, 145 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 09 đồng chí là lão thành cách mạng, 31 cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 12.000 người được hưởng Huân, huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các loại. Đặc biệt, Nhân dân và cán bộ thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm, phường Viên Sơn, xã Cổ Đông và 01 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống lịch sử, xây dựng thị xã Sơn Tây phát triển toàn diện, bền vững

Trải qua 100 năm thành lập, 70 năm được giải phóng hoàn toàn cho đến nay, đặc biệt là sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã Sơn Tây đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Thị xã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu chọn là đô thị xanh - sạch - đẹp; năm 2006, được công nhận là đô thị loại III của Thành phố. Hằng năm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân toàn Thị xã tính đến năm 2023 đạt 70 triệu đồng/người/năm. 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019, 3xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nên một diện mạo nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. 

Bộ mặt đô thị được chỉnh trang, ngày càng trở nên xanh - sạch - đẹp. Các ngành thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng phát triển mạnh. Nhiều sản phẩm du lịch của Thị xã được du khách biết đến và đánh giá cao như: Du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN; Chương trình Tết làng Việt; Giải Vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng; Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài; khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Đêm hội trăng rằm “ Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài ”… thu hút đông đảo du khách và Nhân dân tham gia. Thị xã có hai điểm du lịch đã được UBND thành phố công nhận là: Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.Năm 2023, Thị xã đón hơn 1.175.000 lượt khách du lịch đến với Sơn Tây, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm và đạt tỷ lệ thấp. Giáo dục - đào tạo phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân.

Thị xã đã hoàn thành Quy hoạch phân khu ST1, cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh. Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá của thị xã Sơn Tây. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ khó và đạt kết quả tích cực với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thị xã đến cơ sở, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp cùng Nhân dân toàn Thị xã. Sự hài lòng của người dân ngày càng được nâng lên. Nhiều năm, Đảng bộ thị xã Sơn Tây được Thành ủy Hà Nội đánh giá Hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sơn Tây đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Thị xã nhiều năm được công nhận trong sạch, vững mạnh. Hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Bảng vàng danh dự các loại.

Những kết quả đạt được trong những năm qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục vươn lên, phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới với các giải pháp đồng bộ: Khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển các ngành du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên du lịch quý giá. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát triển nguồn nhân lực, văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài gắn với thực hiện xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tụcmở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác với các đơn vị kết nghĩa, các địa phương trong và ngoài nước. Chủ động thực hiện xây dựng, củng cố hệ thống chính trị,hiệu lực, hiệu quả,tập trung lãnh đạo xây dựng Thị xã đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô “ Văn hiến - Văn minh - Hiện đại ”.

Chào mừng các sự kiện trọng đại của Thị xã gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác, xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa của Sơn Tây nói riêng và của Hà Nội nói chung tới bạn bè trong nước, quốc tế, đặc biệt góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô và Thị xã, thị xã Sơn Tây đã, đang chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, cùng với nhiều hoạt động, sự kiện tiêu biểu, như: Trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật; sưu tầm trao tặng hiện vật, tư liệu về mảnh đất, con người Sơn Tây; tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Thị xã Sơn Tây - Lịch sử hình thành và phát triển” ; biên tập, bổ sung và xuất bản cuốn sách “Sơn Tây - Hội tụ và lan tỏa văn hóa xứ Đoài” ; sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Các nhà khoa bảng tỉnh Sơn Tây” ; hưởng ứng tham gia cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Giải phóng Thủ đô... Phối hợp xây dựng phim tư liệu “Sơn Tây - Đẹp mãi danh xưng” , phim phóng sự “Sức lan tỏa của Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa” sẽ được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, cùng các phóng sự, Talk show trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo, tạp chí Trung ương và Thành phố. Tổ chức khởi công, khánh thành một số công trình, dự án trọng điểm chào mừng; chỉnh trang lại các tuyến phố nội thị, Thành cổ, Sân vận động Thị xã, Văn Miếu Sơn Tây, các di tích trên địa bàn; cắt tỉa cây, trang trí làm đẹp, vệ sinh môi trường khu vực bùng binh, đảo giao thông đường Vành đai 5, cầu Vĩnh Thịnh; xây, sửa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, nhân chứng lịch sử; tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024; tổ chức giải Golf Sơn Tây mở rộng; liên hoan các ban nhạc thành phố Hà Nội; liên hoan nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Hà Nội niềm tin và hy vọng” ; liên hoan tiếng hát cựu thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024; liên hoan nghệ thuật cựu chiến binh Thủ đô lần thứ VI năm 2024; tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Lễ hội sách, Hội trại Thanh niên; Lễ hội áo dài di sản; hưởng ứng tham gia và tổ chức cuộc thi Ảnh nghệ thuật mở rộng; chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” năm 2024; tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu phố đi bộ và trong hội trường Trung tâm VHTT&TT từ nay đến Lễ kỷ niệm và đến hết ngày 10/10 kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô...

 

Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Thị xã Sơn Tây, 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng “Sơn Tây” dự kiến được tổ chức vào hồi 20h00 ngày 03/8/2024 (tối thứ Bảy) tại Sân khấu chính không gian Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (được truyền hình trực tiếp trên sóng H1 - Đài PT&TH Hà Nội) . Điểm nhấn của Lễ kỷ niệm là màn trình diễn nghệ thuật “Sơn Tây - 555 năm hành trình lịch sử tô thắm tình người, tình đất” sử dụng công nghệ trình chiếu hiện đại 3D mapping để tái hiện lại lịch sử hình thành và các dấu mốc phát triển của thị xã qua các thời kỳ. Nhân dịp này, Thị xã cũng sẽ vinh dự đón nhận các danh hiệu khen thưởng cao của Trung ương, Thành phố.

Kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây, 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây, 555 năm danh xưng “Sơn Tây” là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Sơn Tây; chung tay, góp sức đưa Thị xã vượt qua mọi khó khăn, thách thức,khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2024và các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sơn Tây lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu, đẹp, văn minh.