LỄ HỘI ĐÌNH - MIẾU THIỀU XUÂN

27/02/2024
LỄ HỘI ĐÌNH - MIẾU THIỀU XUÂN DIỄN RA TỪ NGÀY 16 THÁNG GIÊNG ĐẾN NGÀY 19 THÁNG GIÊNG NĂM GIÁP THÌN (TỨC NGÀY 25/02- 28/02/2024)

    Cụm di tích Đình - Đền – Chùa Thiều Xuân có niên đại khởi dựng từ rất sớm, Gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng làng xã. Hai ngôi Đình – Miếu Thiều Xuân cùng với hầu hết các làng xã cổ khu vực Sơn Tây – Ba Vì, và căn cứ vào các tư liệu còn sót lại trong di tích thì Đình – Miếu Thiều Xuân thờ Tam vị Đức Thánh Tản, được xếp hàng đầu trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. Thể hiện niềm tin và khát vọng của Nhân dân trong cuộc đấu tranh sinh tồn chống thiên nhiên, lũ lụt, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Khuôn viên Đình Thiều Xuân

     Truyền thuyết kể rằng: vào thời Hùng Vương thứ 18, ở động Lăng Xương, huyện Thanh Uyên, đạo Sơn Tây có hai anh em họ Nguyễn. Người anh là Nguyễn Cao Hạnh, lấy vợ là Đinh Thị Đen. Người em là Nguyễn Ban, lấy vợ là Tạ Thị Hoan. Cả 2 anh em là con nhà dòng dõi, phong lưu, đức độ. Tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Vì vậy mà hai anh buồn phiền, không lúc nào vui. Vào ngày giỗ tổ tiên, hai anh em than thở cùng nhau và cùng đi chơi núi. Hai ông thấy một cụ già dáng vẻ tiên ông liền cúi lạy tạ và xin được ban phúc. Theo lời cụ già, hai anh em họ Nguyễn làm lễ cầu đảo. quả nhiên điềm lành ứng nghiệm, Bà họ Tạ mang thai sinh được hai người con diện mạo ngôi ngô, phong thư kỳ dị đặt tên là Sùng Công và Hiền Công. Năm đó, người Nguyễn Cao Hạnh cũng sinh được một người con trai thần phong tuấn tú, tính cách hiên ngang đặt tên là Nguyễn Tuấn (Tuấn Công). Đến năm 13 tuổi, cha mẹ tìm thầy dạy học cho 3 anh em, mới được vài năm đã tinh thông kinh sử, văn chương không ai sánh bằng. Năm 3 anh em 18 tuổi, cha mẹ hai bên đều qua đời, đến khi đoạn tang, gia đình khánh kiệt, 3 anh em bèn cùng nhau lên núi Tản làm con nuôi cho bà Mai Thị Cao Sơn thần nữ. Thần nữ cho là những đứa con hiếu thảo nên lập chúc thư giao hết núi sông diền địa cho Tuấn Công (hiệu là Tản Viên Sơn Thánh), Sùng Công ở Non Sơn (hiệu là Tản Kiên Thần), Hiển Công ở Lãng Sơn (hiệu là Hữu Kiên Thần).

     Khi nhà Thục đem quân đến đánh, Hùng Duệ Vương lệnh cho Sơn Thánh, Sùng Công, Hiển Công đem quân đi đánh. Khải hoàn trở về, Hùng Duệ Vương phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thần, Sùng Công làm Cao Sơn Đại Vương, Hiển Công làm Quý Minh Đại Vương.

   Sau đó, Tản Viên Sơn Thánh đi khắp mọi miền giúp dân trồng dâu dệt cửi, đánh cá mở mang ruộng vườn.

   Đến thời Đông Hán, Tô Định được cử sang làm Thái Thú nước Việt. Tô Định tham lam tàn ác giết hại dân lành. Vì thế, Hai Bà Trưng đã cùng nhau nổi dậy, hai chị em đã đến cầu đảo Tam Vị Thánh Tản. Sau đó đánh đuổi được giặc, Trưng Trắc lên ngôi đã phong cho 3 vị là: Cao Sơn Hiển Ứng Hộ Quốc Đại Vương; Quý Minh Khang Dụ Linh Ứng Đại Vương và Tản Viên Sơn Quốc Chúa Đại Vương Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần.

    Từ đó trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần… mọi việc cầu đảo đều linh ứng. Các thần đều được phong gia phong mỹ tự.

    Hiện nay, di tích đình Thiều Xuân còn lưu giữ được một sắc phong niên đại Khải Định 9 (1924).

    Thờ Đức Thánh Tản đã trở thành phong tục tốt đẹp của cư dân địa phương. Với ước vọng tạo nên sức mạnh tối thượng để chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù và cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an lạc, thái bình, mùa màng tươi tốt, bội thu.

     Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng đến ngày 19 tháng Giêng, toàn thể Nhân dân TDP Thiều Xuân và phường Viên Sơn lại tụ hội về đây dâng hương, tỏ lòng thành kính với Đức Thánh Tản Viên Sơn. Cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Loan Duong